Thursday, May 15, 2008

Thư Cảm Tạ

Sacramento, ngày 15 tháng 5 năm 2008

Kính gởi Quí vị lãnh đạo tinh thần.
Kính gởi các Hội đoàn, Đoàn thể người Việt quốc gia ở Hoa Kỳ và khắp nơi trên thế giới.
Kính gởi các cơ quan truyền thông.

Kính thưa quí vị!

Thư ngỏ này xin được phép gởi đến quí vị những lời tâm tình chân thành nhất từ đáy tim tôi. Chưa bao giờ như lúc này tôi cảm thấy lời nói không sao diễn đạt hết những tình cảm trong lòng mình. Suốt sáu tháng qua tôi đã nhận những lời an ủi, những thương yêu, những khuyên nhủ, khích lệ và hơn tất cả là sự hỗ trợ liên tục đã đem đến ngày trở về hôm nay của anh Quân. Cho đến giờ phút này kể từ 3 giờ sáng ngày 13 tháng 5 là lúc nhận tin anh Quân được trả tự do cho đến nay là đã hơn hai ngày mà tôi vẫn còn bàng hoàng như trong một giấc mơ.

Điều làm tôi cảm kích nhất là tôi đọc được nổi vui mừng trong những lời chúc mừng chân tình từ điện thoại, từ email của biết bao người không quen biết gởi đến tôi trong những ngày qua. Và từ những điều đó đã cho tôi học được một điều và xác quyết với chính mình về đồng bào tôi – đó là tấm lòng thiết tha vô cùng đối với quê hương dân tộc. Tôi nguyện với chính mình là phải sống và hành xử xứng đáng với những gì mình đã nhận được từ sự thương yêu của cộng đồng.

Kính thưa quí vị, nhân đây tôi cũng kính thông báo đến quí vị một đôi điều. Thứ bảy ngày 17 tháng 5 là ngày anh Quân đặt chân về đến Hoa Kỳ. Văn phòng Dân Biểu tiểu bang California ông Dave Jones và những văn phòng dân biểu tiểu bang và liên bang sẽ tổ chức một buổi chào đón anh Quân cũng như sẽ có một buổi họp báo bỏ túi diễn ra ngay tại phi trường San Francisco lúc 7giờ 20 chiều. Về phía Việt Nam sẽ có đồng bào và các cơ quan truyền thông, báo chí tham dự, nếu có thể xin mời quí vị ghé qua cho anh Quân được gởi đôi lời cám ơn đến sự hỗ trợ quý báo của quí vị trong suốt thời gian qua.

Điều cuối cùng, một lần nữa kính xin các cơ quan truyền thông báo chí giúp phổ biến thư ngỏ này đến quí đồng hương xa gần. Và xin thay mặt anh Quân cùng hai cháu chân thành tri ân quí vị.

Ngô Mai Hương

Sunday, May 4, 2008

Thư Ngỏ của Bà Ngô Mai Hương về việc CSVN đem TS Nguyễn Quốc Quân ra xét xử

Sacramento, ngày 4 tháng 5 năm 2008

Kính gởi quí vị lãnh đạo tinh thần
Kính gởi các Cộng Đồng, Hội đoàn, Đoàn thể người Việt quốc gia ở Hoa Kỳ và khắp nơi trên thế giới
Kính gởi các cơ quan truyền thông
Kính gởi quí vị đồng hương

Kính thưa quí vị,

Trước hết tôi xin được kính thông báo đến quí Cộng Đồng, các Hội đoàn người Việt quốc gia, các cơ quan truyền thông và toàn thể quý đồng hương đã tiếp tay hỗ trợ cho việc đòi hỏi trả tự do cho chồng tôi, TS Nguyễn Quốc Quân trong suốt thời gian qua, rằng nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam sẽ đem chồng tôi ra xét xử vào ngày 13 tháng 5 này. Tôi cũng xin được thông báo đến quí vị là tôi đã tìm được hai vị luật sư tại Việt Nam nhận đứng ra bào chữa cho chồng tôi, và các văn phòng luật sư này đã báo cho tôi biết tin tức về ngày xét xử.

Cũng theo các luật sư này, trước đó công an đã báo cho họ biết là hồ sơ anh Quân đã chuyển qua toà án và anh Quân đã bị nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam truy tố về tội khủng bố. Kính thưa quí vị, nhà cầm quyền Việt Nam bắt giam chồng tôi suốt 169 ngày không xét xử, trong suốt thời gian qua tôi và các con tôi rất lo lắng. Tôi nóng lòng muốn về Việt Nam để lo luật sư cho chồng tôi cũng như dự phiên tòa xét xử anh thì nhà cầm quyền Việt Nam nhất định không cấp visa cho tôi. Trước những bất công đối với bản thân tôi, cũng như những cáo buộc sai trái mà nhà cầm quyền Việt Nam dành cho chồng tôi, tôi chỉ có một cách duy nhất là vận động chính quyền Hoa Kỳ và thế giới áp lực nhà cầm quyền Việt Nam phải trả tự do cho anh Quân. Vì vậy, tôi xin thiết tha kêu gọi quí vị hãy tiếp tay hỗ trợ nghị quyết 1048 của Hạ Viện Hoa Kỳ do ba dân biểu Zoe Lofgren, Dan Lungren và Ileana Ros Lehtinen đồng kiến nghị.

Đối với nhà cầm quyền Việt Nam và công luận, tôi xin thay mặt chồng tôi khẳng định trước toà án và đồng bào trong nước rằng chồng tôi là một người đấu tranh ôn hoà và bất bạo động. Việc nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam vẫn cố tình gán ghép cho chồng tôi tội khủng bố là điều không thể chấp nhận được. Tôi sẽ tiếp tục vận động công luận thế giới để đòi công lý cho chồng tôi.

Tôi cũng được biết nhà cầm quyền Việt Nam sẽ đem ông Somsak Khunmi, ông Nguyễn Thế Vũ cùng ra xét xử trong phiên tòa của chồng tôi. Thưa quí vị, nhà cầm quyền Việt Nam đã bắt giam chồng tôi, ông Somsak Khunmi, ông Nguyễn Thế Vũ, ông Nguyễn Viết Trung, chị Nguyễn thị Thanh Vân và ông Trương Văn Ba vào cùng ngày 17 tháng 11 năm ngoái. Nay họ đã trả tự do cho ông Trương Văn Ba, ông Nguyễn Viết Trung, chị Nguyễn thị Thanh Vân, mà lại đem chồng tôi, ông Nguyễn Thế Vũ và ông Somsak Khunmi ra xét xử là một điều trái ngược, và tùy tiện. Một lần nữa tôi kính xin quí vị hãy tiếp tay hỗ trợ nghị quyết 1048 của Hạ Viện Hoa Kỳ.

Với sự thành công của nghị quyết này, không những quí vị đã giúp cho anh Quân và gia đình tôi, mà quí vị còn giúp cho biết bao những nhà dân chủ khác trong nước đang bị đối xử bất công và giam cầm trái phép.

Xin chân thành cám ơn quí vị

Ngô Mai Hương



Nếu quý vị đang cư ngụ tại

Mẫu thư cho dân biểu Lofgren và Lungren:

Re: Supporting H.Res 1048

Dear Representative (điền tên Lofgren / Lungren tùy theo San Jose hay Sacramento)

Thank you for introducing H.Res. 1048, condemning the detention of Dr. Nguyen Quoc Quan and other peaceful democracy activists by the Government of Vietnam.

I would be grateful for your continued support for Dr. Nguyen Quoc Quan and two of his colleagues (Nguyen The Vu, Somsak Khunmi) who were also unfairly arrested in November and continue to be detained without trial.

Thank you again for supporting human rights and democracy in Vietnam.

Sincerely,

YOUR NAME
ADDRESS



Nếu quý vị đang cư ngụ tại các nơi khác ở Hoa Kỳ thì xin dùng mẫu thư dưới đây để gửi cho dân biểu của mình.

Để biết ai là dân biểu trong địa hạt của quý vị xin vào trang web sau đây

http://www.visi.com/juan/congress/

đánh vào địa chỉ nhà của quý vị. Trang web sẽ cho biết ai là dân biểu của quý vị. Vì đây là nghị quyết của hạ viện cho nên xin quý vị chỉ vận động người dân biểu (congressman/congresswoman) của mình mà thôi, xin không vận động các thượng nghị sĩ.

Mẫu thư cho quý vị ở ngoài vùng San Jose & Sacramento:

Re: Supporting H.Res 1048

Dear Representative [điền tên dân biểu địa hạt của mình]:

I am writing to ask for your support for H.Res. 1048, condemning the detention of American citizen Nguyen Quoc Quan and other peaceful democracy activists by the Government of Vietnam.

The unjust arrest of Dr. Nguyen Quoc Quan and his colleagues on November 17, 2007 has generated strong protests from our State Department as well as parliamentarians and human rights organizations from around the world.

Would you please co-sponsor this important resolution, telling the Vietnamese government that it must release Dr. Nguyen Quoc Quan and other peaceful democracy activists.

Thank you for your support,

Sincerely,

YOUR NAME
ADDRESS

Monday, March 31, 2008

Vận động hỗ trợ cho Nghị quyết Hạ Viện 1048

Elk Grove ngày 31 tháng 3 năm 2008

Kính gởi quí vị lãnh đạo tinh thần
Kính gởi các Hội đoàn, Đoàn thể người Việt quốc gia ở Hoa Kỳ và khắp nơi trên thế giới
Kính gởi các cơ quan truyền thông báo chí

Kính thưa quí vị!

Trước tiên, tôi xin được gởi đến quí vị lời cám ơn thiết tha, chân thành nhất từ đáy lòng một người vợ, một người mẹ. Qua chuyến đi vận động cho chồng tôi tại DC vừa qua, trước sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính giới cũng như bộ ngoại giao Hoa Kỳ, là người trong cuộc tôi biết chắc rằng những hỗ trợ mạnh mẽ đó đến từ sự lên tiếng của quí vị, từ lòng thương yêu đùm bọc của cộng đồng dành cho mẹ con tôi.

Chuyến đi đem lại cho tôi nhiều xúc động và thật nhiều hy vọng. Điều khích lệ lớn lao là sau chuyến đi này, tôi được biết dân biểu Zoe Lofgren cùng với dân biểu Dan Lungren, dân biểu Lleana Ros Lehtinen đã đệ trình nghị quyết 1048 của Hạ Viện Quốc Hội nhằm đòi hỏi chính quyền Hoa Kỳ phải có một số biện pháp nhằm tạo áp lực lên chính quyền Việt Nam buộc họ phải trả tự do cho anh Quân cũng như các nhà dân chủ trong nước như Linh mục Nguyễn Văn Lý, ông Huỳnh Nguyên Đạo, ông Nguyễn Bắc Truyển, ông Lê Nguyên Sang, ông Nguyễn Văn Đài, chị Lê Thị Công Nhân và ông Trần Quốc Hiền.

Là một người vợ, tôi hiểu những xót xa đau khổ khi chồng mình, người thân mình trong lao tù cộng sản. Là một người vợ tôi cũng cảm nhận được cái may mắn của riêng mình và rất đau xót, thương cảm cho vợ con và gia đình các nhà dân chủ trong nước. Ngày hôm nay, qua thư ngỏ này xin mạn phép thay mặt thân nhân những nhà dân chủ trong nước thiết tha thỉnh cầu quí vị hãy cùng hỗ trợ cho nghị quyết 1048 bằng cách gởi điện thư, email vào các văn phòng dân cử của mình yêu cầu họ đứng tên bảo trợ cho nghị quyết 1048.

Với sự tiếp tay lên tiếng hỗ trợ cho nghị quyết 1048 được thành công, quí vị sẽ là những người mở cánh cửa tự do cho chồng tôi và biết bao người đang bị tù đày oan ức. Với sự thành công của nghị quyết 1048 sẽ chứng tỏ những quan tâm thiết tha và sức mạnh của cộng đồng đối với quê hương đất nước, và riêng đối với bản thân tôi và vợ con gia đình các nhà dân chủ trong nước đó là một phép lạ trong hoàn cảnh nghiệt ngã của người thân mình.

Xin xem phần hướng dẫn sau lá thư về việc vận động các dân biểu và mẫu thư đính kèm cho quí vị tiện dùng.

Xin chân thành tri ân quí vị

Ngô Mai Hương



Nếu quý vị đang cư ngụ tại

Mẫu thư cho dân biểu Lofgren và Lungren:

Re: Supporting H.Res 1048

Dear Representative (điền tên Lofgren / Lungren tùy theo San Jose hay Sacramento)

Thank you for introducing H.Res. 1048, condemning the detention of Dr. Nguyen Quoc Quan and other peaceful democracy activists by the Government of Vietnam.

I would be grateful for your continued support for Dr. Nguyen Quoc Quan and three of his colleagues (Nguyen The Vu, Nguyen Viet Trung, Somsak Khunmi) who were also unfairly arrested in November and continue to be detained without trial.

Thank you again for supporting human rights and democracy in Vietnam.

Sincerely,

YOUR NAME
ADDRESS



Nếu quý vị đang cư ngụ tại các nơi khác ở Hoa Kỳ thì xin dùng mẫu thư dưới đây để gửi cho dân biểu của mình.

Để biết ai là dân biểu trong địa hạt của quý vị xin vào trang web sau đây

http://www.visi.com/juan/congress/

đánh vào địa chỉ nhà của quý vị. Trang web sẽ cho biết ai là dân biểu của quý vị. Vì đây là nghị quyết của hạ viện cho nên xin quý vị chỉ vận động người dân biểu (congressman/congresswoman) của mình mà thôi, xin không vận động các thượng nghị sĩ.

Mẫu thư cho quý vị ở ngoài vùng San Jose & Sacramento:

Re: Supporting H.Res 1048

Dear Representative [điền tên dân biểu địa hạt của mình]:

I am writing to ask for your support for H.Res. 1048, condemning the detention of American citizen Nguyen Quoc Quan and other peaceful democracy activists by the Government of Vietnam.

The unjust arrest of Dr. Nguyen Quoc Quan and his colleagues on November 17, 2007 has generated strong protests from our State Department as well as parliamentarians and human rights organizations from around the world.

Would you please co-sponsor this important resolution, telling the Vietnamese government that it must release Dr. Nguyen Quoc Quan and other peaceful democracy activists.

Thank you for your support,

Sincerely,

YOUR NAME
ADDRESS

Thursday, March 13, 2008

Ngày chót trong chuyến đi vận động can thiệp trả tự do cho Nguyễn Quốc Quân.

Washington DC, 13 tháng 3, 2008

Hôm nay là ngày chót ở Washington DC trong chuyến đi vận động cho chồng tôi được tự do. Tôi từ giã DC khi những cành đào chưa kịp trổ bông.

Buổi gặp gỡ ngày hôm nay với Hội Đồng An Ninh Quốc Gia (NSC tức National Security Council) đã cho tôi thật nhiều cảm tình đặc biệt. Là một người tị nạn Việt Nam, chắc hẵn ai cũng mang trong lòng mình cái ơn cưu mang của đất nước này không những cho riêng mình mà còn cho đồng bào mình những ngày biến động cuối tháng tư năm 1975. Tiếp xúc với Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ mà tôi lại có cái cảm giác như mình đang nói chuyện với những người có cùng một mối quan tâm, những người mình đã từng quen biết dẫu chưa bao giờ được gặp mặt.

Tôi được tiếp xúc với ông Dennis Wilder, Giám đốc đặc trách Đông Á của NSC và là Phụ Tá đặc biệt của Tổng Thống Hoa Kỳ, ông Michael Kozak, Giám đốc đặc trách về Dân Chủ & Nhân Quyền của NSC, và bà Elizabeth Phu, Giám đốc đặc trách vùng Đông Nam Á và là phụ tá của ông Wilder. Sau khi thăm hỏi về trường hợp của anh Quân, ông Dennis Wilder đã quay qua nói với ông Michael Kozak: “Anh Quân là một người dũng cảm và là người muốn giúp cho Việt Nam có tự do dân chủ”. Ông nhắc lại điều tổng thống Bush nói trong bài nhậm chức nhiệm kỳ thứ hai: “When you stand for your liberty, we will stand with you.” Anh Quân đấu tranh cho tự do, Hoa Kỳ sẽ đứng với anh Quân.

Khi ông Hoàng Tứ Duy nhắc về những tài liệu đấu tranh bất bạo động mà các đảng viên Việt Tân về phổ biến ở Việt Nam cũng như cuốn sách “Từ Độc Tài Đến Dân Chủ” của Gene Sharp, ông Michael Kozak đã chia sẻ với ông Dennis Wilder rằng đây là phương pháp đấu tranh mà các chính thể độc tài e sợ nhất, vì huy động được số đông quần chúng.

Sau cùng, họ nói với tôi là họ sẽ làm việc với ông Thứ Trưởng Christopher Hill của Bộ Ngoại Giao để đẩy mạnh hơn việc đòi hỏi chính quyền Việt Nam trả tự do cho anh Quân.

Rời tòa nhà cổ kính 200 năm của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia tọa lạc kế bên Tòa Bạch Ốc, chúng tôi đến văn phòng của Thượng Nghị Sĩ tiểu bang California Dianne Feinstein. Ở đây tôi đã bày tỏ lòng biết ơn sự giúp đỡ của bà qua người phụ tá, cô Margaret Sewell, mặc dù họ đang trong thời gian bận rộn nhất để hoàn tất ngân sách quốc gia. Cô Margaret Sewell đã cho tôi biết là cô đã nghe về chuyện chính quyền Việt Nam cắt giờ thăm nuôi anh Quân từ 30 phút xuống 15 phút cũng như chuyện visa của tôi đã bị hủy bỏ. Cô cho biết sau lá thư của Thượng Nghị Sĩ Feinstein và Boxer gửi chung đến Nguyễn Tấn Dũng, văn phòng Thượng Nghị Sĩ Dianne Feinstein vẫn đang chờ đợi thư trả lời từ chính quyền Việt Nam. Cô cũng nói cô sẽ làm việc chặt chẽ với văn phòng Thượng Nghị Sĩ Barbara Boxer để tiếp tục hỗ trợ cho vấn đề của anh Quân.

Chỉ còn vài phút nữa là tôi lên máy bay rời Washington DC. Xin gửi lại thành phố này những tình cảm vừa bất ngờ có được, và xin cám ơn anh Nguyễn Khanh của đài Á Châu Tự Do về những viên ô mai ngọt ngào mà tôi đang cầm trên tay.

Ngô Mai Hương

Wednesday, March 12, 2008

Ngày thứ nhì trong chuyến đi vận động can thiệp trả tự do cho Nguyễn Quốc Quân

Washington DC, 12 tháng 3, 2008

Ngày hôm qua thứ Ba, sau buổi ăn tối ở một nhà hàng Tàu, tôi mở miếng bánh fortune cookie và đọc được những dòng chữ tạm dịch như sau: Đôi khi một người lạ lại mang đến cho bạn những điều ý nghĩa nhất trong đời. Tôi không hiểu người lạ đó là ai, và những điều ý nghĩa đó là gì. Mãi đến sáng hôm sau tôi mới rõ.

Sáng ngày thứ Tư chúng tôi đến Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ để gặp ông Thứ Trưởng Ngoại Giao, đặc trách Đông Á & Thái Bình Dương là ông Christoper Hill. Quả thật những điều hôm nay từ người lạ đã đem đến cho tôi những giây phút bình yên nhất. Và đúng như điều tiên đoán từ chiếc bánh fortune cookie nó mang đến cho tôi điều ý nghĩa nhất trong lúc này khi ông hứa với tôi sẽ tiếp tục đặt vấn đề với chính quyền Việt Nam cho đến ngày anh Quân được trả tự do. Ông cũng nói: anh Quân là người đấu tranh ôn hoà, chính quyền Việt Nam không thể giữ anh Quân chỉ vì những sinh hoạt bất bạo động.


Mai Hương và ông Christopher Hill

Tôi cũng trình bày với ông là một người vợ tôi hiểu những khổ đau của gia đình những nhà dân chủ trong nước. Chồng tôi may mắn được sự hỗ trợ của nhiều dân biểu, thượng nghị sĩ và của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, còn những nhà dân chủ khác không có mối liên hệ đến Hoa Kỳ thì sao. Tôi xin ông giúp lên tiếng với chính quyền Việt Nam về trường hợp của các ông Somsak Khunmi, anh Nguyễn Thế Vũ, anh Nguyễn Viết Trung và những người khác hiện còn bị cầm tù tại Việt nam. Ông tiếp nhận điều này và nói ông sẽ tiếp tục theo dõi. Nhân dịp này tôi cũng đã trao cho ông Hill tập petition với gần 20 ngàn chữ ký khắp nơi trong gần 4 tháng qua. Tôi xin thành thật cảm ơn quý đồng hương xa gần khắp nơi trên thế giới đã ký tên ủng hộ chồng tôi. Mỗi chữ ký là thêm một sức mạnh cho tôi.

Trong lúc chờ đợi để được gặp ông Christopher Hill, ông Brett Blackshaw đã cho tôi biết là mỗi lần tôi kêu gọi sự giúp đỡ của các văn phòng dân biểu, là sau đó các văn phòng này liên lạc ngay với Bộ Ngoại Giao để đặt vấn đề. Trong lần trở lại DC kỳ này tôi đã xin được tiếp kiến để gởi lời cám ơn chân thành đến những hỗ trợ từ các dân biểu này. Văn phòng đầu tiên là văn phòng dân biểu Zoe Lofgren qua sự giúp đỡ và lấy hẹn giúp của chị Jane Đỗ Bùi. Kế tới là văn phòng thượng nghị sĩ Inouye do cô Lauren con gái của anh Trương Văn Ba vận động. Sau ngày anh Trương Văn Ba được thả tự do cô Lauren vẫn tiếp tục kêu gọi sự hỗ trợ từ các văn phòng dân biểu, thượng nghị sĩ ở
Hawaii cho vấn đề của chồng tôi. Điều đáng tiếc là tôi phải hũy bỏ buổi gặp gỡ bên văn phòng dân biểu Neil Abercrombie và văn phòng dân biểu Doris Matsui vì cái hẹn vào phút chót với ông Christopher Hill.


Mai Hương và dân biểu Sanchez

Kế đến là buổi gặp gỡ với bà dân biểu Lorreta Sanchez. Bà cho biết chính quyền Việt Nam đã bắt giữ anh Quân bốn tháng, theo bà thời gian đã quá lâu để mà giữ anh Quân như vậy. Bà cảm thông với những khó khăn mà tôi phải trải qua, và cho biết khi bà về Việt Nam chính bản thân bà cũng cảm thấy bị đe dọa. Bà đề cao anh Quân là người đấu tranh cho nhân quyền, và nói bà sẽ tìm cách để cho nhiều người biết đến anh Quân và những hoạt động của anh.


Hình gia đình được trình bày trong buổi điều trần

TNS Boxer giới thiệu Mai Hương với cử tọa


Đến trưa tôi, ông Hoàng Tứ Duy, ông Đỗ Hoàng Điềm đi dùng cơm trưa với các anh chị bên giới truyền thông như đài RFA, VATV, SBTN trước khi vào dự buổi điều trần do thượng nghị sĩ Babara Boxer chủ tịch Ủy Ban Đặc Trách Á Châu Thái Bình Dương làm chủ tọa.

Lẽ ra sáng mai tôi đã trở về Sacramento với các cháu, nhưng vì được một cái hẹn bất ngờ với Hội Đồng An Ninh Quốc Gia (National Security Council) vào sáng ngày mai nên đành phải đổi vé máy bay ở lại với ước mong kết quả của buổi tiếp kiến ngày mai sẽ giúp cho các cháu mau chóng được gặp lại bố trong một ngày rất gần.

Trên là vài hàng tường trình đến quí vị. Ngày mai có tin tức gì mới tôi sẽ tường trình thêm. Xin chân thành cám ơn quí vị.

Ngô Mai Hương

Tuesday, March 11, 2008

Chuyến đi vận động can thiệp trả tự do cho Nguyễn Quốc Quân

Washington DC, 11 tháng 3, 2008

Lẽ ra ngày hôm nay tôi đã đặt chân đến Sài Gòn bằng chuyến bay của hãng United Airlines cùng với hy vọng là được tháp tùng toà lãnh sự viếng thăm chồng tôi vào đợt thăm nuôi tháng ba này. Nhưng như đã thông báo trong thư ngõ, bà Phương Trần phó tổng lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco báo cho tôi biết là visa của tôi đã bị hũy bỏ. Do đó tôi đã quyết định đáp chuyến bay đi Washington DC vào ngày 10 tháng 3 để vận động cho chồng tôi. Sau đây tôi xin tường thuật một số diễn biến xãy ra ngày hôm nay, 11 tháng 3 năm 2008, đến quí đồng hương, các hội đoàn, đoàn thể người Việt quốc gia, các cơ quan truyền thông báo chí đã hết lòng hỗ trợ cho gia đình tôi trong những ngày qua.

Trong buổi gặp gỡ sáng nay tại Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ với các ông Brett Blackshaw, Michael Orona và Yoshi Gotoh tôi đã được xác nhận là trong chuyến viếng thăm Việt Nam vừa qua của vị Thứ trưởng đặc trách Đông Á và Thái Bình Dương, ông Christopher Hill đã chính thức lên tiếng với chính quyền Hà Nội về việc trả tự do cho anh Quân. Ngoài ra ông cũng đang vận động để tôi được đi Việt Nam thăm chồng tôi.

Bộ Ngoại Giao cũng cho tôi biết Đại sứ Hoa Kỳ Michalak và ông phó Đại sứ Aloisi trong mấy ngày gần đây đã liên tiếp lên tiếng với chính quyền Việt Nam về vấn đề anh Quân. Cũng theo ông Michael Orona, Thứ trưởng đặc trách về dân chủ nhân quyền, ông Johnathan Farrar đã nêu vấn đề nhiều lần với ông Đại sứ Việt Nam tại Hoa Thịnh Đốn. Ông Johnathan Farrar cũng nói với Đại sứ Lê Công Phụng là ông không muốn phải nhắc lại vấn đề này trong cuộc đối thoại về nhân quyền vào tháng năm tại Hà Nội. Được biết sẽ có một cuộc đối thoại về nhân quyền ở cấp cao giữa Hà Nội và Hoa Kỳ vào tháng năm tới đây.

Thưa quí vị,

Tính đến nay là đã sắp tới thời hạn bốn tháng mà nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam phải kết thúc phần điều tra đối với anh Quân. Có thể họ sẽ phải tuyên án hay kết tội chồng tôi. Nếu tội của anh thuộc về di trú thì chính quyền Việt Nam không thể giữ anh đến bốn tháng. Như vậy Hà Nội coi như là tội của anh thuộc về chính trị. Và nếu điều này xảy ra, Hoa Kỳ sẽ không chấp nhận vì đối với Hoa Kỳ bày tỏ chính kiến một cách ôn hòa không thể bị kết tội.




Vào chiều hôm nay tôi cũng đã ghé văn phòng dân biểu Ed Royce. Ông Ed Royce cho biết ông rất bất bình vì chính quyền Việt Nam đáng lẽ phải trả tự do cho anh Quân lâu rồi. Ông đã nhiều lần gọi cho ông Đại sứ Hoa Kỳ ở Hà Nội để thúc dục ông Đại sứ lên tiếng với chính quyền Việt Nam. Tối nay ông sẽ thức đêm để gọi cho ông Đại sứ lần nữa để yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam giải quyết trong dịp kết thúc bốn tháng điều tra này. Ông Ed Royce cũng cho biết ông đã và đang nghiên cứu những biện pháp khác để tạo áp lực lên chính quyền Hà Nội.


Sau cùng chúng tôi đã ghé văn phòng dân biểu Dan Lungren. Dân biểu Dan Lungren cho biết ông và một số dân biểu thuộc đảng Cộng Hoà đã ký chung một bức thư gởi cho ông Nguyễn Tấn Dũng đòi hỏi trả tự do cho anh Quân. Điều làm tôi rất xúc động là một nhân viên của ông đã cho tôi biết là trong mấy ngày nay văn phòng họ nhận rất nhiều email, điện thoại gọi vào cám ơn và xin họ tiếp tục hổ trợ anh Quân và gia đình tôi. Người nhân viên này còn an ủi tôi: “Tôi hiểu được những âu lo của bà, cảm giác đơn độc vì phải gánh gánh nặng trên đôi vai của bà, nhưng xin bà yên tâm, chúng tôi và rất nhiều người rất quan tâm đến chuyện của Tiến Sĩ Quân.”

Kính thưa quí vị,

Những kết quả diễn tiến tốt đẹp ngày hôm nay là do sự hỗ trợ mạnh mẽ từ quí vị. Một lần nữa tôi xin thay mặt anh Quân và hai cháu gởi lời chân thành tri ân đến quí vị.

Tôi cũng xin thông báo đến quí vị, ngày mai, 12 tháng 3 năm 2008, sẽ có một buổi điều trần tại Thượng viện Quốc hội Hoa Kỳ về quan hệ Việt Mỹ, được biết sẽ có phần điều trần của ông Thứ Trưởng Ngoại Giao Christopher Hill, về phía người Việt có ông Chủ tịch đảng Việt Tân là ông Đỗ Hoàng Điềm và cô Janet Nguyễn. Trước buổi điểu trần tôi sẽ có dịp gặp mặt Thượng nghị sĩ Barbara Boxer là người sẽ chủ tọa buổi điều trần này. Đặc biệt sẽ có cuộc tiếp kiến riêng với ông Thứ trưởng Ngoại Giao Christopher Hill vào buổi sáng. Cùng đi với tôi để gặp các vị ấy là ông Đỗ Hoàng Điềm và ông Hoàng Tứ Duy thuộc đảng Việt Tân.

Kính thưa quí vị, vài hàng tường trình đến quí vị, tôi xin được tiếp tục tường trình về những diễn biến sau cuộc điều trần ngày mai. Xin chân thành cám ơn quí vị.

Ngô Mai Hương

Thursday, March 6, 2008

Thư Ngỏ của Bà Ngô Mai Hương, về việc: Đòi trả tự do cho chồng, TS. Nguyễn Quốc Quân.

Elk Grove, Ngày 6 tháng 3 năm 2008

Kính gởi Quí vị lãnh đạo tinh thần.
Kính gởi các Hội đoàn, Đoàn thể người Việt quốc gia ở Hoa Kỳ và khắp nơi trên thế giới.
Kính gởi các cơ quan truyền thông báo chí.

Kính thưa quí vị!

Cho đến thời điểm này, ngày hôm nay 6 tháng 3 năm 2008, nhà cầm quyền Việt Nam đã bắt giam chồng tôi, Tiến Sĩ Nguyễn Quốc Quân đúng 110 ngày không xét xử, không cho gia đình gặp mặt. Qua nhân viên toà Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại Sài Gòn, lần thăm nuôi vừa qua chính quyền Việt Nam đã cắt giờ thăm nuôi của Lãnh sự quán Hoa Kỳ từ 30 phút xuống còn 15 phút, họ không cho đọc toàn bộ lá thư của gia đình, họ không cho chồng tôi viết thư cho tôi và các con mặc dù tôi đã yêu cầu nhiều lần, ngoài ra họ còn cắt ngang trao đổi giữa chồng tôi và nhân viên toà Tổng lãnh sự khi người này hỏi chồng tôi có được đọc báo trong tù không, rồi nhấn mạnh với nhân viên Lãnh sự là không được hỏi điều gì ngoài sức khoẻ. Tôi nhận thấy thái độ này của nhà cầm quyền Việt Nam nhằm để trấn áp, uy hiếp tinh thần của chồng tôi.

Trước áp lực của chính quyền Việt Nam, tôi đã viết thư yêu cầu Đại sứ Hoa Kỳ hãy giúp đỡ liên hệ với chính quyền Việt Nam cho phép tôi được viếng thăm chồng tôi vào đợt thăm vào tháng Ba này của toà Tổng lãnh sự. Tòa đại sứ Hoa Kỳ đã trả lời cho tôi biết là đã đề đạt yêu cầu của tôi với chính quyền Việt Nam. Tôi tiến hành mua vé máy bay. Ngày 29 tháng 2 tôi nhận được điện thoại từ cô Phương Trần, Phó tổng lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco, cô cho tôi biết là họ đã hủy bỏ visa của tôi và yêu cầu tôi gởi trả lại visa mà họ đã cấp cho tôi trước đó mà không hề cho tôi biết lý do tại sao.

Kính thưa quí vị, trước những diễn tiến trên, tôi và các cháu vô cùng thất vọng, đau xót và lo lắng. Phần vì thương chồng phải ngày đêm một mình đối phó với những uy hiếp nặng nề về tinh thần, phần vì uất ức trước thái độ của nhà cầm quyền Việt Nam. Tôi viết thư này kính thỉnh cầu quí vị, các hội đoàn đoàn thể quốc gia, các cơ quan truyền thông khắp nơi xin giúp đỡ mẹ con tôi bằng cách viết thư, fax, email đến các vị dân cử Hoa Kỳ có tên dưới đây. Họ là những văn phòng dân cử đã trực tiếp nhận những yêu cầu từ đồng hương trước đây và đã tích cực theo dõi, hổ trợ mẹ con tôi trong việc đòi hỏi tự do cho anh Quân và những người cùng bị bắt. Một lần nữa, kính xin quí vị tiếp tay gởi thư bày tỏ lòng cảm tạ sự hỗ trợ của họ đối với gia đình chúng tôi, và mong họ tiếp tục lên tiếng cho đến ngày anh Quân được trả tự do.

Sự lên tiếng của quý vị trong lúc này nói lên lòng quan tâm và hậu thuẫn của Cộng đồng người Việt đối với các nhà tranh đấu cho dân chủ, trong đó có chồng tôi, vừa là áp lực mạnh mẽ trong việc đòi hỏi nhà cầm quyền Việt Nam phải trả tự do cho anh Quân cũng như những nhà dân chủ khác, và sự lên tiếng của quí vị còn là niềm an ủi, là cái phao giúp mẹ con tôi vượt qua những tháng ngày sóng gió cô đơn này.

Thay mặt anh Quân và hai con tôi xin chân thành tri ân quí vị

Ngô Mai Hương



Sau đây là danh sách các vị dân cử Hoa Kỳ đã hỗ trợ cho gia đình tôi trong thời gian qua.Tùy theo quí vị trực thuộc văn phòng dân cử nào, xin quý vị gọi phone, fax hay gửi email về văn phòng của các vị ấy, để bày tỏ lòng cảm tạ sự hỗ trợ của họ, và yêu cầu họ tiếp tục can thiệp ngõ hầu tôi có được cơ hội về Việt Nam thăm viếng chồng tôi. Xin đính kèm mẫu thư để quí vị tiện dùng.

Trân trọng

--------

Dear ….

Thank you for your effort to help gain the release of Dr. Nguyen Quoc Quan, a pro-democracy activist currently detained by Vietnamese authorities. Please continue to provide assistance to Dr. Quan's wife, Ms Huong Ngo, in her quest to travel to Vietnam to visit her husband. Again, my appreciation for your support of Dr. Quan and his family.

Sign your name
Address
Phone

Congressman Dan Lungren
Phone: (916) 859-9906
Fax: (916) 859-9976, (202) 226-1298
Email: https://forms.house.gov/lungren/forms/email.shtml

Senator Barbara Boxer
Phone: (202) 224-3553
Fax: (202) 224-0454
Email: https://boxer.senate.gov/contact/email/policy.cfm

Senator Dianne Feinstein
Phone: (415) 393-0707
Fax: (415) 393-0710
Email: http://feinstein.senate.gov/public/index.cfm?FuseAction=ContactUs.EmailMe

Congresswoman Loretta Sanchez
Phone: (714) 621-0102
Fax: (714) 621-0401, (202) 225-5859
Email:
http://www.lorettasanchez.house.gov/index.php?option=com_content&task=view&id=218&Itemid=17

Congresswoman Zoe Lofgren
Phone: (408) 271-8700
Fax: (408) 271-8713, (202) 225-3336

Congressman Ed Royce
Phone - (714) 992-8081
Fax - (714) 992-1668, Fax - (202) 226-0335

Congresswoman Doris Matusi
Phone: (202) 225-7163
Fax: (202) 225-0566

Email: http://matsui.house.gov/email.asp

Thursday, January 17, 2008

Thư ngỏ

Ngày 17 tháng 1 năm 2008

Kính gởi các cơ quan chính quyền các cấp
Kính gởi các hội đoàn, đoàn thể người Việt quốc gia ở Hoa kỳ và khắp nơi trên thế giới
Kính gởi các cơ quan truyền thông báo chí trong và ngoài nước


Kính thưa quí vị!

Tính đến hôm nay là đúng sáu mươi ngày kể từ khi chồng tôi bị nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam bắt giữ. Suốt hai tháng trời, mỗi ngày trôi qua trong nỗi bồn chồn mong ngóng của tôi và hai con. Phần vì lo lắng cho sức khoẻ của chồng tôi trong lao tù Việt cộng, phần phải đối diện với những khó khăn của cuộc sống xứ người khi không có anh bên cạnh, tôi và hai con đã phải trải qua tháng ngày gian nan nhất trong đời.

Mặc dù buồn và lo lắng nhiều, nhưng như bao nhiêu người Việt Nam khác, tôi và hai con luôn ý thức rằng mình đang sống trong sự đùm bọc của cộng đồng. Suốt thời gian qua, với những hỗ trợ từ quí vị, với trên mười bảy ngàn chữ ký từ khắp nơi trên thế giới, cùng với những nỗ lực vận động chính giới Hoa kỳ đã khiến cho chính quyền cộng sản buộc lòng phải trả tự do cho anh Trương Văn Ba và chị Nguyễn Thị Thanh Vân.

Chồng tôi, mãi cho đến ngày hôm nay vẫn còn tiếp tục bị giam giữ tại Việt Nam. Nay tôi viết thư này thỉnh cầu quí vị, các hội đoàn đoàn thể quốc gia, các cơ quan truyền thông khắp nơi xin giúp đỡ mẹ con tôi bằng cách tiếp tục lên tiếng với thế giới cũng như vận động chính giới Hoa Kỳ hỗ trợ cho chồng tôi hiện vẫn đang còn bị nhà cầm quyền cộng sản giam giữ. Mỗi tiếng nói của quí vị sẽ đóng góp rất nhiều trong việc đòi hỏi nhà cầm quyền Việt cộng trả tự do cho anh, để chồng tôi sớm được trở về đoàn tụ cùng gia đình.

Tôi và hai cháu xin chân thành tri ân quí vị

Kính

Ngô Mai Hương và 2 con

Saturday, January 12, 2008

Thương nhau đêm mưa dầm

Hôm qua H đọc lại mấy câu thơ viết tặng Liên, Vũ ngày đám cưới:

Để yêu nhau ngày nắng
Thương nhau đêm mưa dầm
Bên nhau khi trắc trở
Dù tàn phai tháng năm

H chợt nhận ra rằng mình đã có thật nhiều ngày nắng đẹp. Những ngày anh hẹn đi ăn trưa, ngồi nghe anh kể về ước mơ xây dựng một ký túc xá cho sinh viên nghèo ở Việt Nam. Chắc anh phải nói hay lắm nên anh C mới đòi về làm ông gác dan cho cái ký túc xá ấy.Trên đường về sở làm hôm đó, H thấy vui vui với cái ý nghĩ: cả anh và anh C hai người đều thật dễ thương. Có phải không, đâu chỉ khi ở ngoài này, trước kia khi còn ở trong nước, dù hoàn cảnh có nghiệt ngã thế nào mình vẫn luôn luôn nuôi sống những ước mơ.

Sacramento mấy ngày nay mưa bão, lạnh và buồn. Tự nhiên H thấy mình rớr vào những câu thơ của chính mình. H buồn chết được nếu không có mấy lời nhắn của anh gởi qua toà lãnh sự, một tháng toà lãnh sự chỉ được đi thăm anh một lần, đây là lần thứ hai kể từ ngày anh bị bắt:

Hương, Khoa, Trí thương quí

Anh ở đây vẫn khỏe mạnh, từ đó đến nay tinh thần anh luôn vững mạnh và minh mẫn. Anh mong rằng Hương và các con cũng vậy. Mỗi tối 9h Khoa và Trí nhớ lên thăm mẹ và chơi với mẹ vì đó là giờ bố nghỉ trưa, bố nghĩ nhiều đến các con. Các con thương và phải học nhiều hơn, chơi với nhau nhiều hơn chơi game nhé và nhớ học thật giỏi để bố mẹ yên tâm và hãnh diện. Các con và mẹ có thể hãnh diện về bố.

Lúc thăm anh có đến sáu người công an mặc quân phục đứng chung quanh, ba người mặc thường phục, họ không cho đọc đoạn thư H viết về gia đình anh. Họ bảo chỉ có tin tức về vợ con mà thôi. Họ cũng không cho đọc thư của Thượng nghị sĩ Lou Corrier viết cho anh. Anh yên tâm H và các con sẽ luôn nhớ những lời anh dặn.

Sunday, January 6, 2008

Thư nhờ toà lảnh sự chuyển

Anh thương,

Những lúc một mình H cố tránh để mình đừng chìm đắm vào nỗi nhớ thương xa cách. Có lúc H tưởng điên lên được vì những lo lắng cho anh. Không có anh, H ngơ ngác không biết phải làm gì, phải bắt đầu từ đâu. Dù H biết ngay từ đầu, mình đã chọn con đường dẫn mình đến gặp nhau, thì chính con đường này có lúc sẽ làm mình chia cách. Mẹ thương nhớ anh nhiều, vẫn hàng đêm cầu nguyện cho anh.

Họ đã cho anh kính đọc sách chưa? có khó chịu lắm không ? Nghĩ đến anh là điều làm cho H vững vàng đối diện với những khó khăn trước mặt. Điều quan trọng là anh ráng giữ gìn sức khoẻ. H và gia đình mong anh giữ vững tinh thần.

Dear Bố,
con thương bố nhiều lắm, và con muốn nóí bố là con nhớ bố nhiều lắm. Con thấy bố là một ngươì hay lắm, và bố là môt cái hero cho con. Con muốn bố biết là bố là cái best dad in the world, và là một cái heroic figure trong cái life của con. Con thưong bố nhiều lắm.
-Khoa

Dear Bố,
Con nhớ bố nhiều lắm, con nghĩ dên bố mỗi ngày. Con săn sóc mẹ cho bố dừng lo. Con kố gắng và chăm chỉ trong việc học cho làm bố hãnh diện. Trong lúc này con hay nghĩ bố đang làm gì trong tù, con lo cho bố nhiều lăm và hy vọng bố về sớm.
-thương bố,
Tri Quoc Nguyen

H gởi kèm theo hình ba mẹ con và thư của Thượng nghị sĩ Lou Correa gởi cho anh.

Thương nhớ anh,
Mai Hương

Wednesday, December 26, 2007

Thư gởi những người bạn trẻ Việt Tân

Chị đã nhận hoa, card, những an ủi và tấm lòng của các bạn. Cách đây nhiều năm, nỗi ưu tư lớn nhất của phần đông người Việt Nam là khi thế hệ mình già đi, không còn ai nối tiếp để trả cho mình món nợ mình đã mang đối với những người đã khuất, đối với mảnh đất đã cưu mang mình. Thế hệ trẻ sẽ chẵng biết gì về Việt Nam, sẽ chẳng quan tâm gì đến một đất nước cách xa mình đến nửa vòng trái đất.

Và các bạn đã là một ngạc nhiên, là niềm hãnh diện mỗi lần anh Quân nhắc đến. Các bạn xuất hiện như những người trẻ đầy lý tưởng, không mang một món nợ nào đối với quá khứ, nhưng mang trong mình một trái tim với thật nhiều hoài bão và ước mơ. Là một thầy giáo, anh Quân thường hay nói với chị: H có thấy trong lịch sử Việt Nam bất cứ thời đại nào, những ai dù thành danh hay không, cuối cùng họ đều trở về làng quê làm một thầy đồ chỉ mong đào tạo một thế hệ tương lai, trong đó có ông thầy đồ nổi tiếng thế giới - Chu Văn An - dâng sớ xin chém đầu bảy kẽ nịnh thần rồi cáo quan về làng quê dạy học.

Trong ký ức của mỗi người Việt Nam, chắc hẳn có những điều không thể nào quên. Ở chị, điều đó bắt đầu từ năm lên bốn tuổi. Chị ở trong một trại gia binh ngoài miền trung, hồi đó phía sau nhà ai cũng có một hầm bao cát. Có những đêm, mẹ chị một tay bồng đứa nhỏ, tay khác kéo lê đứa lớn xuống hầm. Giấc ngủ bị ngắt quãng với những trái hoả châu sáng rực ở ngoài trời cùng tiếng đạn réo qua mái tôn. Nhà chị có một bàn thờ phật thật lớn, mỗi tối mấy chú trong đơn vị thiết giáp và gia đình họ đều đến để đọc kinh. Những người chị nhớ nhất là có chú Tiềm đánh mõ, chú Phôi đánh chuông, và bác Tiếp là người đứng ở giữa đọc kinh.

Chẳng biết chiến tranh lúc ấy khốc liệt như thế nào, chỉ trong vòng một tháng, có rất nhiều người trong đơn vị ấy không trở về. Chị nhớ mãi cái đêm chú Tiềm mất, một người khác phải thế chỗ của chú. Bác Tiếp là người khai kinh cầu siêu cho chú, một tuần sau bác Tiếp cũng mất trong một trận đánh sau đó.Trong trí nhớ của đứa bé lên bốn, chị nhớ đêm ấy có nhiều người khóc lắm, chị trốn dưới gầm bàn thờ và khóc thật nhiều cho đến khi những người lớn trong nhà tìm ra, ai cũng ngạc nhiên và không hiểu tại sao chị khóc nhiều như vậy. Chính chị cũng không hiểu tại sao mình cứ nhớ mãi cái đêm cầu kinh đó đến tận giờ.

Thursday, December 20, 2007

Học trò cũ muốn đi thăm nuôi

Tuần trước học trò cũ của anh ở Việt nam gọi qua xin địa chỉ của nhà tù để đi thăm nuôi thầy Quân. H có hỏi nhân viên toà lãnh sự ở Sài Gòn nhưng họ bảo không phải người nhà họ không cho vào thăm đâu. Trời ở đây đã bắt đầu lạnh rồi, năm nay khu nhà mình người ta giăng đèn nhiều hơn. Nằm ở đâu đêm nay anh có hình dung ra được mẹ con H ở nhà như thế nào không? trong nhà tù không biết anh có lạnh không ? họ có cho anh đủ chăn không?

Buổi chiều H nói chuyện với nhân viên toà lãnh sự, H chưa thấy ai dễ thương như người này. Biết H lo lắng nhiều cho anh, ông an ủi H. Ông cho rằng người Việt Nam rất dễ mến, hiếu khách. Ông kể chuyện sáng nay ông trông thấy một người đang cầm một trái bắp rất ngon, ông khen bằng tiếng Việt và mặc dù tiếng Việt của ông không giỏi nhưng người đó tặng ngay trái bắp cho ông. Ông nói chị tưởng tượng được không, tôi chỉ là một người lạ mà họ sẵn sàng tặng thức ăn cho tôi. Ông làm H hãnh diện và vui lây, H cám ơn ông về thiện cảm của ông dành cho người Việt mình, và H nói cũng vì yêu thương đất nước mình, yêu thương những con người đó mà anh và các bạn anh trở về.

Tuesday, December 18, 2007

Những người bạn chưa bao giờ biết tên


Hôm qua ở DC đi biểu tình cùng đồng bào trước toà lãnh sự CSVN. H gặp thật nhiều người, có những khuôn mặt thật quen, đã gặp đâu từ mười lăm, hai mươi năm trước. Những người cùng đi biểu tình lúc H mới ở Việt Nam qua. Những khuôn mặt thật quen, nhưng chưa bao giờ biết tên. Đã gặp từ lúc tóc còn xanh, bây giờ có người đã hoa râm, có người bạc trắng. H nhớ đến điều anh hay nói: "Đất nước Việt Nam mình có hàng trăm Phan Bội Châu, hàng trăm Nguyễn Thái Học. Những Phan Bội Châu, những Nguyễn Thái Học không tên tuổi đó đã thầm lặng góp phần của họ cho đất nước."


Đi biểu tình nhiều lần, nhưng lần này tấm hình mang trước ngực mình lại là hình của anh. H cố nén mà vẫn không cầm được nước mắt. Mấy cô trong đoàn biểu tình khuyên H "Đừng có khóc, khóc ở đây CS nó cười cho, phải vững vàng lên" Đoàn biểu tình sau đó đã đi bộ khoảng một mile đến toà đại sứ Trung Cộng để phản đối chuyện Trung Cộng muốn cướp Hoàng Sa và Trường Sa. Trong đoàn biểu tình có một bác đã tám mươi tuổi, bác cũng đi chung với đoàn biểu tình. Buổi chiều trời lại mưa lạnh, không biết bác có bị cảm lạnh gì không? Bác ơi! con xin thay mặt anh Quân và các chiến hữu của anh, cảm tạ tấm lòng của bác đối với các anh và đất nước.

Saturday, December 8, 2007

Gặp nhau từ khởi nghĩa Mê Linh

Thân gởi chị TMH, Ti Ti, và TB,

Nói lời cám ơn H nghĩ có hơi thừa đối với tấm lòng của các bạn dành cho H và anh Quân. Cho H được bắt đầu bằng bốn câu thơ của thi sĩ Bắc Phong:

Gặp nhau từ khởi nghĩa Mê linh
Đứa giữ voi trận đứa tiền binh
Cùng đứng trên bờ ôm nhau khóc
Khi Nhị Trưng sông Hát trầm mình.

Có lẽ đó là chuyện ngàn đời của dân mình, mình đã gặp nhau như vậy, gặp nhau từ tấm lòng nghĩ đến đất nước. Cho nên dân tộc mình mới chiến thắng được bao nhiêu cuộc ngoại xâm. H là một người ít ra ngoài cộng đồng, vậy mà khi biết chuyện của anh Quân và các bạn của ảnh bị bắt. Các cô, các bác, các chú, các bạn ở Sacramento đã họp lại để thành lập một uỷ ban hổ trợ cho anh Quân và các bạn của ảnh. H còn nhận được thư tay của bác ĐT, và cả bài nhạc bác phổ từ bài thơ nhớ mẹ của anh Quân nữa.

Hôm qua H nhận được điện thoại từ cô Alicia thuộc văn phòng của bà Barbara Boxer. Mặc dù Bộ ngoại giao đã kể cho H nghe về buổi gặp gỡ của toà lảnh sự với anh Quân rồi. Cô vẫn tường thuật lại từng chi tiết, đến đoạn anh Quân đang dạy cho một em trong tù học tiếng Việt thì cô dừng lại và cười (vì cô biết anh Quân là một giáo viên trung học) đâu có giống khủng bố đâu.

Trong một lần soạn bài cho chương trình Nước Non Ngàn Dặm về câu chuyện Trọng Thủy Mỹ Châu, H đọc được một đoạn khá lý thú để kể cho các bạn nghe: Người Việt cổ thời ấy trang phục nam nữ đẹp đẽ, có mũ lông chim, váy xoè kết bằng lông chim hoặc lá cây. Trai thì búi tó, xâm mình, gái thì đeo khuyên đeo còng đi dự lễ hội. Cư dân Văn Lang – Âu Lạc có tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, sùng bái các anh hùng, các thủ lĩnh. Đọc đoạn này, H hiểu tại sao thi sĩ Bắc Phong cứ mơ lạc về năm 40 trước công nguyên để được gặp bà Trưng Nhị.

Friday, December 7, 2007

Sáng nay trời mưa ...

Sáng nay trời mưa, vườn sau đã đầy lá rụng, không có anh ba mẹ con H lủi thủi, ngơ ngác. Khoa ít nói hơn, hôm trước H tình cờ nghe Khoa nói với bạn trong điện thoại:" You are lucky your dad home with you, you should love him more.". Mấy hôm chưa nhận được tin anh, Khoa để ý đến mẹ nhiều, thấy mẹ buồn Khoa ôm mẹ dỗ dành: Con biết bố thương mẹ nhiều lắm, bố chỉ muốn làm việc của bố thôi. Sau này H mới rõ là Khoa biết chuyện anh đi Việt Nam.

Anh bảo H đừng quá lo lắng cho anh mà hãy vui cho anh, H vừa khóc vừa ghi lại những điều anh dặn. H biết rằng những hy sinh của anh lúc này, những lo lắng nhớ thương của mẹ con H dành cho anh làm sao so sánh được với những hy sinh của những người đi trước.

Wednesday, December 5, 2007

Thư gởi từ trại giam

Khi toà lãnh sự ở Sài Gòn báo cho H biết là họ sẽ được gặp anh vào buổi chiều hôm qua. H và Khoa đợi điện thoại suốt đêm không thấy họ gọi lại. Tối nay H gọi điện thoại liên tục thì vào lúc chín giờ tối nhân viên toà lãnh sự gọi lại cho H. Cô cho biết sức khoẻ anh tốt, thời gian mới bị bắt giam anh tuyệt thực nhưng đến ngày thứ ba nghe lời khuyên của mấy người bạn tù là ráng giữ gìn sức khoẻ vì vậy anh tạm gác chuyện tuyệt thực sang bên để xem tình hình ra sao rồi hẵn tính. Anh ở trong một gian phòng rộng chín mét vuông, với hai người khác. Có một em hai mươi sáu tuổi không biết đọc, biết viết. Vì vậy trong những giờ không bị gọi đi làm việc anh giúp dạy em này đánh vần, anh có yêu cầu cho một cuốn học đánh vần ở VN để dạy cho em.

Theo lời nhân viên toà lãnh sự họ có đọc hết thư H gởi cho anh. Họ nói anh xúc động nhiều lúc nghe đọc thư, họ có yêu cầu cho anh được viết ít chữ về nhà theo yêu cầu của gia đình nhưng trại giam không cho phép vì vậy anh có đọc cho nhân viên toà lãnh sự viết lại mấy giòng cho H và con:

Hương Khoa Trí rất thương yêu! Thời gian ở đây anh thương nhớ gia đình rất nhiều. Hương Khoa Trí yên tâm, đừng quá lo lắng cho anh và hãy vui cho anh. Anh đã đạt được ước mơ là đặt chân về Việt Nam. Anh xin lỗi H đã không cho biết về chuyến đi này.

Theo lời của nhân viên toà lãnh sự anh nói với họ là anh có nói cho Khoa biết trước khi anh đi. H hỏi Khoa thì Khoa nhận là anh có dặn Khoa: Con thay bố chăm sóc mẹ và em bố về Việt Nam bố làm việc của bố. Khoa nói là Khoa hứa với anh không nói cho mẹ biết nên vẫn dấu mẹ đến bây giờ.

Anh thương! H hứa với anh là H sẽ vững vàng cho những ngày trước mặt. Anh ráng giữ gìn sức khoẻ để chóng về với mẹ con H.

Ba mẹ con nhớ bố nhiều.

Hương Khoa Trí

My name is Khoa


My name is Khoa, and I am the oldest son of my father Dr. Nguyen Quoc Quan. When I found out my dad was captured by the Vietnam government, I was devastated. Millions of thoughts ran through my mind and I was confused for a period of time on account of the fact that my father could be gone forever. Nevertheless though, I pulled together and started of thinking of ways in which to help my dad get out of being a political prisoner. I don't exactly know why he was taken, but I want him home with me and my family very badly. It's not the same without him and I just don't like how I'm living right now. It would be a lot better if my dad went home. My dad was a very peaceful man, as is his job; he never ever resorted to violence and hatred, I would always think of him a as a smaller version of Ghandi. He helped people when they're in need and he is always there to talk to. My dad was a very smart man and would always help me with my homework; mostly math since he had a PhD in it. I miss my dad a lot. He would always work hard for his country, and would work long hours on helping it for the better. I didn't know what he meant by that, but I am always there for him and respect him as a father and an idol. I want the Vietnamese government to release him; they don't just have an important man, but a wonderful father and a reliable friend. My father is my hero, and realizing that he would go to Vietnam and do his job while risking getting caught was very heroic to me.

Sunday, December 2, 2007

Hòn Đá Làm Ra Lửa

Chỉ khi còn một mình, H mới cảm hết nỗi trống vắng. H tránh không nghĩ đến những điều có thể xảy ra cho anh làm mình lo sợ thêm. Hồi đó anh hay nói anh quí trọng những con người vượt qua sóng gió, trong khi H lại thực quá dở trước những thử thách cuộc đời.

H nhớ câu thơ của Trần Dạ Từ viết cho Nhã Ca khi ông đi tù cải tạo: "Tôi đâu có chọn em, nào tôi có chọn". Mà thực như vậy, H đâu có chọn anh, H với anh ở xa như hai đầu trái đất, nếu không có những tang thương dồn dập của đất nước ngày ấy, nếu không có những bản tin kinh hoàng về thuyền nhân dồn dập mỗi ngày, chắc mình không biết nhau. Cái "Hòn đá làm ra lửa" của Trần Dạ Từ cũng là hòn đá của H với anh. H nghĩ đến điều đó và H tự nói với mình: ngày mai, H sẽ bắt đầu một ngày mới khác với mười bốn ngày đã qua.

Saturday, December 1, 2007

Buổi thắp nến chiều thứ Bảy tại San Diego

MH viết thư này xin gởi lời cám ơn chân thành nhất đến các cô, các bác, các chú, các bạn trong cộng đồng đã hổ trợ, an ủi, khích lệ MH. Cám ơn buổi thắp nến chiều nay lúc 6 giờ chiều của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại San Diego. Cám ơn bác Lê Quang Dật, anh Hồ Thanh, anh Lê Trung và nhiều nhiều nữa những người H chưa kịp nhớ tên, và biết tên. Những đóng góp, những chia xẻ những an ủi có lúc đã làm H rơi nước mắt, nhưng thực sự đã giúp MH đứng vững và tin tưởng vào sức mạnh của cộng đồng mình.

Xin cám ơn những chia xẻ chân tình trong trang blog này. Cám ơn anh Nguyễn Đình Sài, anh Quân có kể về ngày kỷ niệm đám cưới của anh chị cho H nghe. Những điều anh viết đã là ngọn lửa ấm cho MH và các cháu rồi. Cám ơn T.L một người bạn cũ (H đoán vậy). Cám ơn PQH, chân thành cám ơn đề nghị của anh về việc thiết lập một quỹ pháp lý binh vực tự do cho anh Quân. H nghĩ cho đến ngày hôm nay trường hợp của anh Quân chưa biết chính quyền Việt Nam hành xử ra sao. Cho H xin được cám ơn tấm lòng của anh chị và xin những đóng góp đó tạm thời dồn cho những nhà đấu tranh dân chủ trong nước. Một lần nữa MH xin chân thành cám ơn.

MH

Friday, November 30, 2007

Thư gởi cho anh

Vậy là đã mười ba ngày kể từ ngày anh bị bắt và đúng mười lăm ngày kể từ ngày anh gọi cho H lần cuối. H tiếc là đã lỡ xoá mất lời nhắn của anh gởi cho con trong máy, nếu còn mấy mẹ con nghe lại cũng đỡ nhớ bố. Bây giờ nhớ lại H mới thấy mình vô tình, hồi đó anh hay gọi H lên để nghe chương trình Diễn Đàn Bạn Trẻ của đài RFA, nghe xong bao giờ anh cũng nói - Mình phải về chứ H, về để cho những người trẻ đó không thấy họ cô đơn. Anh ngưỡng phục luật sư Lê Thị Công Nhân, luật sư Đài, bây giờ anh chị ấy đã nhận được lời nhắn của anh và các bạn anh rồi.


Một điều anh không biết là sau ngày nhận tin anh bị bắt, bạn bè anh, cộng đồng người Việt khắp nơi đã vận động ráo riết với văn phòng các dân biểu, nghị sĩ ở Hoa Kỳ. Cô Jamie của văn phòng dân biểu Dan Lungren cho H biết là có nhiều cú phone cũng như điện thư gởi vào văn phòng. Cô nói cô biết cộng đồng người Việt là một cộng đồng mạnh và họ hỗ trợ mạnh mẽ vấn đề của anh. Chắc họ cũng ngạc nhiên không biết tại sao người Việt mình lại gắn bó với nhau như vậy.Tối qua H đi gặp ông dân biểu Dan Lungren cùng với anh Dũng, cộng sự của ông có lẽ vì là phụ nữ, họ nhìn H ái ngại thương cảm. Họ đâu biết nếu cộng sản cũng có cái trống tam toà, thì H cũng bắt chước bà thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa vượt thuyền về đánh trống mà kêu oan cho chồng. H nhớ hoài hai câu thơ ông khóc vợ khi bà mất vì bạo bịnh:

Đất không phải chồng, sao nỡ thịt xương hoà với đất
Trời không chết vợ, đặng coi gan ruột thử coi trời!